UEH Mentoring
Mình đang tham gia chương trình UEH Mentoring mùa 8 với vai trò là một Mentee. Cho những ai chưa biết thì UEH Mentoring là một phần của VAM - Vietnam Alumni Mentoring:
Vietnam Alumni Mentoring, dưới sự bảo trợ của Cộng đồng Cựu sinh viên Kinh Tế (UEH Alumni) và sự hỗ trợ của Your Study Support, được thành lập năm 2016 nhằm mục đích hỗ trợ sinh viên có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp, có những kinh nghiệm cần thiết để phát triển bản thân. Thông qua đó tạo ra một môi trường tích cực gồm các Mentors – Nhà cố vấn và các Mentees – Người được cố vấn với các hoạt động góp phần giúp cung cấp kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệp cần thiết đến các bạn sinh viên. Đồng thời, tạo cơ hội giúp các anh chị cựu sinh viên thực hiện được ý nguyện kết nối, giúp đỡ sinh viên.
Chương trình thường mở đơn tuyển Mentee vào đầu tháng 9, qua vòng CV và phỏng vấn thì sẽ trở thành Mentee chính thức vào cuối tháng 10. Lúc này, mỗi Mentee sẽ được một Mentor lựa chọn để đồng hành trong suốt 8 tháng diễn ra chương trình. Về cơ bản, mỗi tháng, bạn sẽ phải liên hệ với Mentor của mình để hẹn lịch gặp mặt (online hoặc offline đều được) để cập nhật tình hình bản thân, chia sẻ các vướng mặt hoặc đặt ra những câu hỏi cho Mentor. Sau buổi mentoring đó, Mentee sẽ viết một bài recap nêu các điểm mình đã học được sau buổi gặp mặt, cảm nhận về buổi gặp mặt như thế nào,... và post vào group Mentee để mọi người cùng học hỏi.
Ngoài Mentoring 1:1 như mình đã đề cập thì UEH Mentoring còn có các hoạt động khác như cross-mentoring, company visit, training, Japan Study Tour,… Bạn có thể xem ở VAM để tìm hiểu thêm nhé!
Đầu tháng 1 này, mình cũng vừa có một buổi gặp mặt với Mentor và rút ra được 10 bài học cho bản thân. Sau khi được Mentor đồng ý, mình xin chia sẻ recap đã đăng trong nhóm UEH Mentee lên trang Substack của 11011 để các bạn cũng có thể xem được và có cho mình những suy nghĩ riêng.
RECAP BUỔI 3 - 08/01/2022
Mentor: Ngô Đức Phúc
Mentee: Lê Minh Quân
Chào mọi người, mình là Lê Minh Quân, sinh viên năm 2 ngành Hệ thống thông tin kinh doanh. Đây đã là buổi thứ 3 mình được đồng hành với Anh Phúc rồi. Giờ thì để mình kể lại cho bạn những gì hai anh em đã bàn luận nhé!
Key takeaways:
Muốn việc có chiều sâu thì phải nhúng tay vào làm.
Quy luật 80/20 và sự ưu tiên.
Giữ một cái đầu mở và tinh thần học hỏi khi intern ở MNC
Brainstorm tốt = không định kiến.
Chia sẻ = nhận lại.
Tìm domain phù hợp: trust your gut.
"Nô dịch hoá đối tượng" và phá vỡ giới hạn.
Viết một CV tốt: mơ lớn, cụ thể và đủ số liệu.
FIRE chỉ là công cụ để tự do chọn việc mình muốn làm chứ không phải là đích đến cuối cùng.
Tiếng Anh cũng chỉ là công cụ để truyền đạt ý tưởng.
1. Muốn việc có chiều sâu thì phải nhúng tay vào làm
Vào chuyện, mình và anh Phúc chia sẻ với nhau về những điều đã xảy ra trong một tháng vừa qua, về học tập và cả công việc. Mình kể anh về việc học của mình, cũng bình thường như mọi lần. Anh thì kể cho mình về chuyến team-building của công ty và một sự kiện được tổ chức thành công rực rỡ.
Anh làm Trade Marketing, nhưng cũng có phối hợp với Agency để tổ chức các event trên. Điều mình nhận ra đầu tiên là bên cạnh việc làm chuyên môn trong một công ty, có thể bạn cũng sẽ trở thành một MC, một event planner, hay một vị trí nào đó thoạt nghe thì chẳng liên quan mấy. Nhưng đó là tính Agility cần được phát huy trong giai đoạn VUCA - Biến động (Volatility); Bất định (Uncertainty); Phức tạp (Complexity); Mơ hồ (Ambiguity) như hiện nay.
Theo anh kể, dù có các agency chuyên làm các dạng event như team-building hay sự kiện với đối tác, nhưng họ sẽ khó có được một cái "sense" về văn hoá công ty, về sứ mệnh, các giá trị,... để tailor được trải nghiệm của những người tham gia một cách hoàn hảo nhất. Nếu outsource hết tất cả mọi việc cho agency, thì khả năng cao kết quả cho ra sẽ chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được. Muốn tốt hơn, việc cần làm đó là nhúng tay vào. Phải làm sao để người tham dự nào cũng cảm thấy thoả mãn, đặt mình vào suy nghĩ của họ, chú ý đến từng chi tiết và làm việc sát sao với agency.
Nhưng câu hỏi mình đặt ra là: "Vậy thì lúc nào cũng phải có sự hiện diện của ta thì công việc mới hoàn thành tốt được hay sao?". Anh đáp: Tuỳ vào tình huống xảy ra:
Nếu mình là người nắm chính project đó từ đầu và đã lên sẵn một kế hoạch tốt thì hãy giao nó cho những người mình tin tưởng làm.
Nếu có tình huống xấu phát sinh mà không ai đủ năng lực giải quyết trong thời gian cho phép thì mình phải là người đứng ra.
Anh nói, vế thứ 2 rất thường xảy ra trong kinh doanh và chúng ta phải chấp nhận nó mà phát triển.
2. Quy luật 80/20 và sự ưu tiên
Mình hỏi anh: Dựa theo 80/20 thì ta nên dành 20% nỗ lực để tạo ra 80% kết quả. Vậy khi có được 80% kết quả đó rồi thì chúng ta có nên tiêu thêm 80% nỗ lực còn lại để tiến tới cỡ 95% hay không (5% mất đi do thiếu hiệu quả).
Dễ hiểu hơn một chút thì nếu đã học 1 môn đủ 8đ rồi thì nên chuyển qua học môn khác hay là nên cố để môn đó 9.5đ đã rồi tính tiếp? Nói rộng ra thì là đây là câu hỏi giữa việc nên generalize hay specialize trong sự nghiệp của mình?
Và câu trả lời cuối cùng cho vấn đề này có lẽ là “trust your gut” thôi. Có khi bạn giỏi môn này hơn môn kia, có khi bạn thích làm chuyên môn hơn làm quản lý, who knows. Miễn là bạn chọn được cái làm bạn thấy thoả mãn hoặc sẽ giúp bạn đạt được điều đó.
Nếu bạn muốn đọc thêm về vấn đề này thì hãy xem qua số Weekly Story đầu tiên trong năm 2023 của mình nhé.
3. Giữ một cái đầu mở và tinh thần học hỏi khi intern ở MNC
Theo career framework tham khảo trang blog thinhnotes mình đã làm thì trong năm nay, mình sẽ tìm một vị trí thực tập Businesss Analyst hoặc tương đương ở các công ty đa quốc gia để có được kiến thức về quy trình rõ ràng, đi kèm các phúc lợi "khủng". Tránh việc học được quá nhiều nhưng lại mông lung và thiếu định hướng như ở các start-ups.
Về vấn đề này, anh Phúc cũng đồng tình là nên bắt đầu ở các công ty lớn. Tuy nhiên, anh dặn mình cần tránh khỏi suy nghĩ rập khuôn vì trong môi trường tập đoàn, khi "quy trình là mọi thứ". Phải biết linh động thích nghi với từng hoàn cảnh. Ngoài ra, còn phải làm quen với các phòng ban khác, tìm hiểu cách họ vận hành để có cái nhìn tổng quát nhất về công ty.
Mình cũng đang tìm kiếm các cơ hội Management Trainee ở các công ty như VNG, FPT, TGDĐ, nếu bạn muốn lập nhóm để học hỏi thêm thì cứ bình luận hoặc nhắn với mình nhé.
4. Brainstorm tốt = không định kiến
Rồi anh kể cho mình cách mà team của anh thường brainstorm: ghi ra mọi thứ có thể và chưa vội "bàn ra". Khi các ý tưởng đã nằm ra trên giấy thì sẽ dễ dàng theo dõi và kết nối chúng lại với nhau. Và trách nhiệm của người facilitator là tạo ra một nơi mà ai cũng thoải mái nói ra suy nghĩ của mình - kể cả những suy nghĩ táo bạo hay điên rồ nhất.
5. Chia sẻ = nhận lại
Đến lượt mình kể cho anh những mối nhân duyên mình tình cờ kết được trong lúc học, lúc đọc và lúc viết.
Trên lớp, mình hay share các tài liệu học tập và các tips nho nhỏ cho mọi người để dễ dàng qua môn hơn. Nhờ đó cũng có nhiều bạn share lại những thông tin hữu ích khác cho mình và mời mình vào các cuộc thi mới.
Trên trang Facebook cá nhân và Substack, mình viết một series có tên Weekly Story kể về những gì mình rút ra được sau một tuần và được kết nối với một người anh cũng muốn tìm hiểu về ứng dụng Obsidian.
Đọc những bài viết hay, xem những video hữu ích hay nghe những tập podcast yên ả, mình đều nghĩ có thể forward chúng cho ai, liệu ai có lẽ sẽ cần chúng. Chậm rãi, mình dần tạo nên một mạng lưới hỗ trợ đáng tin, như một món quà vô giá của việc chia sẻ.
6. Tìm domain phù hợp: trust your gut
Đang phân vân giữa 3 lĩnh vực:
Y tế
Giáo dục
Ngân hàng
Thì anh hỏi mình vì sao mình lại có lĩnh vực ngân hàng ở trong danh sách này, vì dựa vào những gì mình và anh trao đổi thì anh không thấy bất kỳ sự liên quan nào giữa mình và domain này. Nghĩ lại thì đúng thật là vậy. Mình chọn ngân hàng để đưa nó vào list chủ yếu vì vẻ hào nhoáng bên ngoài của nó chứ không thực sự vì sở thích bên trong của mình. Lúc này, anh khuyên mình hãy dành thời gian nhìn lại vào bên trong xem bản thân mình muốn gì, ngân hàng có thực sự là nơi mình sẽ làm việc không.
7. "Nô dịch hoá đối tượng" và phá vỡ giới hạn
Nghe mình kể về quá trình làm dự án cuối kỳ môn Cơ sở dữ liệu, khi mà các thành viên trong nhóm đều gào thét vì workload quá nặng, anh nhắc đến khái niệm "nô dịch hoá đối tượng". Anh kể, lúc đó khi còn học Đại học, anh đã được xếp học lớp của một giảng viên cho vô cùng nhiều bài tập, mà thoạt nghĩ là không thể nào làm hết được. Cô nói đó là một hình thái của "nô dịch hoá đối tượng", minh hoạ cho một bài học trong chương trình. Dù phải phối hợp với nhau và đề ra những thủ thuật không ai ngờ đến, at the end of the day thì anh và các bạn đều xoay xở để hoàn thành được khối lượng công việc đồ sộ đó. Và từ đó thì dù có task khó nhằn như thế nào, anh cũng có thể vượt qua được.
Đến đây, mình lại nghĩ đến bài viết 3 bài học về mentor tốt, sự cô đơn, và làm thế nào để thực sự hiểu 1 người của Akwaaba Tung. Trong đó có phần "Người mentor tốt luôn ép bạn làm những việc bạn không thoải mái.". Hiểu một cách khác thì "Người mentor tốt sẽ giúp bạn phá vỡ vùng an toàn của mình". Anh Phúc nói mình: Vậy mới thấy con người có khả năng thích nghi lớn đến mức nào.
8. Viết một CV tốt: mơ lớn, cụ thể và đủ số liệu
Ngoài các yếu tố về mặt hình thức, mình cũng đã nhắc đến trong số Weekly Story đầu tiên trong năm 2023, anh Phúc góp ý cho CV của mình 3 thứ:
• Objective: Nên có “big ambition for long-term”. Đừng chỉ nói mong muốn của mình là trở thành một intern cho công ty, mà hãy nhắc đến một mục tiêu dài hạn hơn, như là một Management Consultant chẳng hạn.
• Cũng ở phần Objective: sự hứa hẹn của mình với nơi tuyển dụng phải là “specific contribution”, không nên chung chung như "tạo ra thêm lợi nhuận" hay "tạo ra ảnh hưởng tới xã hội". Ngoài ra thì những skills mà mình đề cập phải liên quan đến vị trí mình đang apply chứ đừng vĩ mô quá như kiểu "khả năng quản trị", "truyền cảm hứng".
• Experience: bổ sung số liệu những chỗ có thể. Ví dụ làm Campaign Manager thì quản lý được bao nhiêu người, gây quỹ được bao nhiêu tiền, tổ chức được bao nhiêu event, thu hút bao nhiêu người,... “show, don’t tell”.
9. Tiếng Anh cũng chỉ là công cụ để truyền đạt ý tưởng
Khi mình nói muốn làm nổi bật phần chứng chỉ tiếng Anh hơn nữa thì anh nói là cũng không quá cần thiết. IELTS cao chưa chắc làm việc tốt. Anh Phúc đã trích lời một người chị của anh: “Một người giỏi tiếng Anh mà không có chuyên môn tốt thì chỉ có thể present một ý tưởng tồi một cách trôi chảy thôi”.
Mình cũng nghĩ nhiều về vấn đề này. Đâu phải ai cũng cần IELTS 8.0, 8.5. Đâu phải ai cũng trở thành giáo viên tiếng Anh, dịch giả hay nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Vậy nên việc nhiều trung tâm cam kết đầu ra cao nhiều khi là không cần thiết, có chăng cũng là một hình thức tạo ra nhu cầu. Bạn có thể xem video Wrong Mindset of theVietnamese about IELTS | Lessons learned from IELTS Tuan Quynh and Kien Tran của anh Duy Thanh Nguyen để tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé.
10. FIRE chỉ là công cụ để tự do chọn việc mình muốn làm chứ không phải là đích đến cuối cùng
Khi bàn về các vấn đề tài chính, anh Phúc chia sẻ với mình: FIRE - Financial Independence Retire Early cuối cùng chỉ là một công cụ chứ không phải đích đến cuối cùng. Những ai về hưu mà không còn làm việc gì cả thì tinh thần lẫn thể chất xuống cấp rất nhanh, như mất đi ý nghĩa của cuộc sống vậy.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này trên kênh podcast HIEU.TV nếu thấy hứng thú.
Mentoring session review
1 buổi nói chuyện - 10 bài học. Mình cảm thấy bản thân đang tốt hơn từng chút, ra khỏi comfort zone của mình, tiến xa và vững chắc. Nếu bạn muốn thảo luận gì thêm về những vấn đề trên thì cứ thoải mái bình luận hoặc nhắn tin với mình nhé. Mình rất mong có thể có thêm những connections mới từ đây.
Cuối cùng thì em cảm ơn anh Phúc và chương trình UEH Mentoring đã tạo cơ hội cho em được hiểu hơn về mình và có các kết nối thật sự chất lượng như vậy.
Cảm ơn bạn vì đã đọc hết một recap thật dài này. Nếu bạn có bất kỳ góp ý gì về nội dung, format, hình ảnh hay muốn bàn luận thêm về một vấn đề nào đó thì hãy nói cho mình biết qua phần bình luận của Substack hoặc nhắn với mình qua mail nhé. Mình rất mong chờ những phản hồi của bạn.
Ngoài ra, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích thì hãy giới thiệu đến bạn bè và người thân bằng cách forward cho họ mail này hoặc qua nút share ở cuối mail nhé!
Cuối cùng thì tạm biệt và chúc bạn thật nhiều sức khoẻ,
11011